Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 83
Đề cương tuyên truyền
kỷ niệm 83 năm ngày thành lập tổ chức công Đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2012)
Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Bác
viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm
tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công
nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để
giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới"
A. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ 83 NĂM CỦA TỔ CHỨC
CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
I. SỰ RA ĐỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT
NAM
Cuối thế kỷ XIX, sau khi thôn tính được Việt Nam, thực dân Pháp bắt
đầu thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa, tập trung đầu tư vào một số ngành
chủ yếu như: đường sắt, hầm mỏ, xí nghiệp, đồn điền. Từ đó đã hình thành giai
cấp công nhân Việt Nam.
Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, công nhân lao
động (CNLĐ) nước ta đã tự nguyện tập hợp nhau lập ra các tổ chức nghiệp đoàn,
công hội để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình ở nhiều nơi trong cả nước. Tiêu
biểu nhất là Công hội Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng sáng lập
(1920), hình thức tổ chức sơ khai của Công đoàn Việt Nam.
Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn
liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (mà sau này
là Chủ tịch Hồ Chí Minh) - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt
Nam.
Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Bác
đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa
thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nói chung và hình thức
tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng.
Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Bác viết: "Tổ chức Công hội trước
là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với
nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là
để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế
giới". (1)
Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng
vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công
đoàn Cách mạng.
Từ năm 1925 đến 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động mạnh mẽ đã
thành lập nhiều tổ chức, nhiều Công hội bí mật trong công nhân.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã liên kết các Công
hội Đỏ ở các cơ sở và giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên lâm thời Đông
Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ vào ngày
28/7/1929 tại nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành lâm thời
đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (tức Bếp). Quyết định thành lập Báo Lao
động và Tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội Đỏ.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son
chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên
giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể Cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn
chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
II. HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
1. Hoạt động của Công đoàn Việt Nam những năm 1929 - 1935:
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập trên cơ sở thống
nhất các tổ chức cơ sở Đảng ở Việt Nam. Trong hoạt động của mình, Đảng rất chú
trọng phát triển cơ sở Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân và các tổ chức quần
chúng khác. Lần lượt các tổ chức Công hội ra đời: Tổng Công hội Đỏ Vinh - Bến
Thủy, Tổng Công hội Đà Nẵng, Tổng Công hội Đỏ Nam Kỳ.
Ngày 1/5/1930, công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, Cưa, Diêm Bến
Thủy nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp mở màn cho quá trình thành lập Xô
viết công nông ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Từ giữa năm 1931, Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp dùng lực lượng
quân sự lớn đàn áp nhưng các cơ sở Công hội Đỏ còn lại vẫn tổ chức các cuộc đấu
tranh kinh tế của thợ thuyền.
Đến năm 1934, cơ sở Công hội được phục hồi rộng rãi hơn và các cuộc
bãi công, tổng đình công lại nổ ra nhiều hơn trong các nhà máy, hầm mỏ.
Trải qua những thử thách lớn của cách mạng, mặc dù chưa có sự thống nhất trên
quy mô cả nước nhưng Công hội Đỏ đã góp phần to lớn trong việc tập hợp lực lượng
thợ thuyền, đội quân chủ lực của Cách mạng Việt Nam.
2. Công đoàn Việt Nam những năm 1936 - 1939:
Từ năm 1935, các tổ chức Ái hữu được thành lập chủ yếu theo nghề
nghiệp làm bước trung gian tiến tới đòi tự do nghiệp đoàn đã đưa phong trào Công
đoàn Việt Nam lên một bình diện mới.
Ở Nam kỳ, các tổ chức Ái hữu, Nghiệp đoàn mang đậm tính chất ngành
nghề trong các đơn vị sản xuất.
Ở Bắc kỳ, phong trào Ái hữu, Nghiệp đoàn phát triển mạnh trong công
nhân và các tầng lớp lao động, lần đầu tiên có sự liên kết các ngành nghề, các
địa phương trong tổ chức và tranh đấu.
Khi Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), bọn phản
động ở thuộc địa ra lệnh phải giải tán các hội Ái hữu, Nghiệp đoàn, bắt giam cán
bộ công vận các đô thị, khu công nghiệp.
3. Công đoàn Việt Nam những năm 1939 - 1945:
Cuối năm 1940, Hội Công nhân phản đế đổi tên là Hội Công nhân cứu
quốc làm nòng cốt của Việt Minh.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Đảng đã quyết định
phát động toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong suốt giai đoạn 1930 - 1945, dù cho tên gọi khác nhau, hình
thức hoạt động lúc bí mật, lúc công khai, dù chưa có điều kiện thống nhất tổ
chức trong cả nước, nhưng được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản Đông Dương,
Công đoàn Việt Nam thật sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt
Nam. Từ 6.000 đoàn viên năm 1930, năm 1945 số đoàn viên đã lên tới hơn 200.000
người, đóng vai trò to lớn trong việc giành chính quyền ở các trung tâm đô thị,
các khu công nghiệp trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
4. Hoạt động Công đoàn trong những năm 1945 - 1946:
Đầu năm 1946, Hội nghị Đại biểu Công nhân cứu quốc đã quyết định
chuyển Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Ngày 20/7/1946 tại Nhà hát lớn Hà
Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức ra mắt với hơn 20 vạn đoàn viên.
Trong năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân
Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước,
bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám: tham gia tích cực vào cuộc
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tại kỳ họp
thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua Dự án Luật Lao động. Dự án này có sự đóng
góp quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi trình Quốc hội.
5. Hoạt động Công đoàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -
1954):
Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng
chiến. Ngày 11/12/1947, Hội nghị Ban Thường vụ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
đã quyết định: "Nhanh chóng tập hợp, động viên công nhân, lao động cả nước dồn
sức và xây dựng những cơ sở sản xuất mới ở các chiến khu để vừa sản xuất vừa
chiến đấu.".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu
nước, động viên công nhân, lao động khắc phục khó khăn, sản xuất nhiều vũ khí
đạn dược và hàng hóa phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã
giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Yêu cầu của sự nghiệp "kháng chiến kiến
quốc" đòi hỏi phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn phải có sự chuyển biến
cao hơn, cả trong nhận thức và hành động.
Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã họp từ ngày 1 đến ngày
15/1/1950. Mục tiêu của Đại hội là: "Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất
là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng
chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi".
Trong những năm 1951 - 1952, phong trào công nhân và hoạt động công
đoàn ở vùng địch tạm chiếm đã có bước phát triển mới. Trong giai đoạn này, quyền
lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một.
Thắng lợi quân sự trên toàn chiến trường trong Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao
là chiến thắng Điện Biên Phủ, là cơ sở quan trọng cho việc ký kết Hiệp định
Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến
chín năm chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng
chung của dân tộc có những đóng góp to lớn của phong trào công nhân và tổ chức
Công đoàn.
6. Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 - 1975):
Tháng 9 năm 1957, kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đã thông qua Luật Công đoàn. Luật quy định rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn
của tổ chức Công đoàn, mối quan hệ giữa Công đoàn và các cơ quan, xí nghiệp tư
bản tư doanh; những phương tiện hoạt động của Công đoàn.
Trong 10 năm (1965 - 1975), hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ Công
đoàn tiếp tục được củng cố và phát triển. Do yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu
nước, Tổng Công đoàn và các Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành
đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở chuyển hướng hoạt động, tăng cường củng cố
và điều chỉnh nội dung sinh hoạt của công đoàn cơ sở. Cán bộ Công đoàn ở những
nơi có chiến sự ác liệt đã luôn vững vàng gương mẫu, đi đầu trong tổ chức sản
xuất, chiến đấu, chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II đã họp từ ngày 23 đến ngày
27/2/1961. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Trần Danh
Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký. Mục tiêu của Đại hội là: "Động viên cán bộ, công
nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc, với tinh
thần "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" góp phần đấu tranh
thống nhất nước nhà".
Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp từ ngày 11 đến ngày
14/2/1974. Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa làm Chủ tịch danh dự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch.
Mục tiêu của Đại hội là: "Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường,
tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Ngày 17/4/1961, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại căn cứ Suối Mây,
chiến khu D, tỉnh Tây Ninh, Hội Lao động giải phóng miền Nam ra đời (sau đổi tên
là Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam). Năm 1962, Hội Lao động
giải phóng được Liên hiệp Công đoàn Thế giới công nhận là thành viên chính thức.
Trên cơ sở phát triển Hội Lao động giải phóng, những năm từ 1965 - 1970 đã hình
thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam, có hệ thống tổ chức trong toàn
miền. Trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Công đoàn giải phóng vận động công
nhân lao động ở hầu khắp các đô thị nhất loạt nổi dậy phối hợp với các lực lượng
vũ trang tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, ở hầu hết các thành phố,
thị xã, công nhân chủ động nổi dậy bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và phối hợp với lực
lượng vũ trang giải phóng thành phố.
7. Công đoàn Việt Nam trong công cuộc cả nước xây dựng CNXH (1975 -
1986):
Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ IV đã họp từ ngày 8 đến ngày
11/5/1978. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng) làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: "Động viên
giai cấp công nhân và những người lao động khác thi đua lao động, sản xuất, phát
triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước".
Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam tiến hành từ ngày 16 đến ngày
18/11/1983. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Thuận là Chủ tịch. Mục tiêu của
Đại hội là: "Động viên công nhân lao động thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn
của Đảng. Phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng
xuất khẩu".
Qua 10 năm, đội ngũ công nhân, viên chức đã có nhiều đóng góp quan
trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữa những năm 1980, nên kinh tế
nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng, giá cả hàng hóa, tiêu dùng tăng nhanh,
nảy sinh nhiều tiêu cực trong phân phối làm cho đời sống của nhân dân nhất là
công nhân, viên chức, lao động gặp nhiều khó khăn.
8. Công đoàn Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước từ 1986 đến
nay:
Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 đã bầu
đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: "Thực hiện đường
lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội".
Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 9 đến ngày 12/11/1993 đã bầu
lại đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: "Đổi mới tổ
chức và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo
vệ lợi ích của công nhân lao động".
Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 3 đến ngày
6/11/1998 đã bầu đồng chí Cù Thị Hậu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Đại hội là: "Vì
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ
và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh".
Đại hội lần thứ IX Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 10 đến ngày
13/10/2003 đã bầu lại đồng chí Cù Thị Hậu làm Chủ tịch. Tháng 12/2006, đồng chí
Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch Mục tiêu của Đại hội là: "Xây dựng giai cấp
công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của CNVC-LĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc,
thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Đại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 02 đến ngày
05/11/2008 đã nhất trí bầu đồng chí Đặng Ngọc Tùng tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2008 - 2013. Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động:
"Đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên
chức, lao động , vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước". Đại hội xác
định mục tiêu, phương hướng: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
của Công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu,
lấy đoàn viên, CNVC-LĐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động Công đoàn
vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định,
tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".